Các loại cây cà phê phổ biến ở Việt Nam

các loại cây cà phê

Các loại cây cà phê và các đặc điểm chính của nó 

Cà phê là một loài cây có lịch sử lâu đời. Nó có một số giống khác nhau và các loại cây cà phê cũng mang những đặc điểm khác nhau. Ở Việt Nam, chúng ta thường hay biết đến hai giống chính là Robusta và Arabica. Nhưng bên cạnh đó, còn có một giống khác là Liberica.

Những loại cây này, ngoài việc tạo ra các hạt cà phê truyền thống, còn có thể lai tạo với nhau để tạo ra các biến thể nhỏ và nhiều chủng loại hạt khác nhau. Ví dụ Catimor là sự kết hợp lai tạo giữa Robusta và Arabica. Hay Culi là các hạt đột biến của cả hai giống cây. Ở trong bài viết này, chúng ta chỉ tập trung đi sâu vào các đặc điểm chính của ba loại cây cà phê nêu trên.

Cà phê Robusta (Cà phê vối)

Robusta là một loại cà phê được trồng chính ở Việt Nam với sản lượng chiếm khoảng 90%. Theo số liệu thống kê năm 2020, hiện Việt Nam có khoảng 617.520 ha cà phê Robusta. Cây cà phê Robusta có nguồn gốc từ các khu rừng cao nguyên ở Ethiopia. Đây là loài có dạng cây gỗ hoặc cây bụi, chiều cao của cây trưởng thành có thể lên tới 10 m. Quả có hình tròn, hạt nhỏ hơn hạt cà phê Arabica. Hàm lượng caffein trong hạt Robusta khoảng 2-4%, trong khi ở Arabica chỉ khoảng 1-2%.

Cây cà phê Robusta khoảng 3-4 tuổi có thể bắt đầu cho thu hoạch. Cây cho hạt trong khoảng từ 20 đến 30 năm. Đây là loại cây phù hợp ở vùng nhiệt đới. Độ cao thích hợp để trồng là dưới 1000 m. Nhiệt độ ưa thích của cây khoảng 24-29°C, lượng mưa khoảng trên 1.000 mm. Cây Robusta cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn so với cây cà phê Arabica.

Robusta chứa hàm lượng caffein cao hơn, có hương vị mạnh và đắng hơn Arabica. Ngoài ra, sản lượng cũng cao hơn, do vậy giá một bao cà phê Robusta thường chỉ bằng một nửa so với Arabica.

Cà phê Arabica (Cà phê chè)

Cây cà phê Arabica còn có tên khác là cà phê chè. Do loài cà phê này có lá nhỏ, cây có một số đặc điểm hình thái giống như cây chè. Arabica còn được phân ra làm nhiều loại tùy vào khu vực canh tác, trong đó có hai loại chính và nổi tiếng là Moka và Catimor.

Đây là loài có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê. Trên thế giới, Arabica được ưa chuộng hơn, và nó chiếm 61% các sản phẩm cà phê toàn cầu. Brazil và Colombia là hai nước xuất khẩu chính loại cà phê này, chất lượng cà phê của họ cũng được đánh giá cao nhất. Các nước xuất khẩu khác gồm có Ethiopia, México, Guatemala, Honduras, Peru, Ấn Độ.

Cây cà phê Arabica ưa sống ở vùng núi cao với độ cao từ 1000-1500 m. Cây có tán nhỏ, màu xanh đậm, lá hình oval. Cây trưởng thành có thể cao từ 4–6 m, nếu để mọc hoang dã có thể cao đến 10 m. Quả hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt cà phê.

Cây Arabica cũng cho thu hoạch sau khi trồng khoảng 3 đến 4 năm. Độ tuổi thu hoạch kéo dài khoảng 25 năm. Loại cây này ưa thích nhiệt độ từ 16-25°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm.

Hiện tại, sản lượng canh tác cây Arabica ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%. Do yêu cầu về độ cao và thổ nhưỡng khí hậu khắt khe hơn cây cà phê Robusta. Hiện Arabica được trồng chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Tây Nguyên và Sơn La, Điện Biên ở Tây Bắc.

Cà phê Liberica (Cà phê mít)

Cây cà phê Liberica có thân, lá và quả đều to lên 2m -5m. Thậm chí có thể cao đến 15 m nếu mọc ngoài tự nhiên, khác biệt hẳn với các loài cà phê khác. Do lá to, xanh đậm, nhìn xa như cây mít nên được gọi là cà phê mít. Cây chịu hạn tốt, ít cần nước tưới nên thường trồng quảng canh. Tại Việt Nam, cây trồng chủ yếu ở các tỉnh như Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Tây Nguyên.

Cà phê mít thường nở hoa và thu hoạch muộn hơn các loài cà phê khác do đặc điểm là nở hoa nhờ nước mưa. Quả thường được thu hoạch vào tháng 12 âm lịch, sau khi các loài cà phê khác đã thu hoạch xong. Sản lượng của cà phê mít không lớn, hạt nhân to, thon dài. Hương vị hạt khá chua, loại hạt cho ra chính là Cherry. Người châu Âu thường hợp gu với loại cà phê này, nên các loại cà phê hòa tan theo gu châu Âu thường có tỉ lệ cà phê mít cao hơn. Hạt cà phê Liberica cũng thường được trộn vào với cà phê vối, cà phê chè khi rang xay để tạo thêm hương vị.

Tỷ lệ cây cà phê Liberica chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng canh tác cây cà phê ở Việt Nam hiện nay.

Trên đây là bài viết tổng hợp về các giống cây cà phê tại Việt Nam hiện nay. Khoan bê tông cà phê xin chân thành cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Xin chúc các bạn một ngày thực sự tốt lành và hạnh phúc!

Bài viết được dịch, tổng hợp và tham khảo từ: Wikipedia và nhiều nguồn khác nhau

Tiệm cà phê K.B.T- Một nét đáng yêu trong lòng Hà Nội!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *